(+84) 971 408 009

7 cách đặt tên thương hiệu thông dụng và gây ấn tượng nhất

7 cách đặt tên thương hiệu thông dụng và gây ấn tượng nhất

Bạn biết hiện nay trên thị trường có hàng triệu thương hiệu đang tồn tại với những tên gọi khác nhau, vậy giữa những sản phẩm/ dịch vụ trong cùng một lĩnh vực như vậy, làm cách nào khách hàng có thể phân biệt và lựa chọn thương hiệu của bạn?

Đáp án chính là tên thương hiệu. Đó chính là yếu tố giúp tạo điểm nhấn và dễ dàng đọng lại trong tâm trí khách hàng khi tiếp xúc với sản phẩm/ dịch vụ của thương hiệu. 

Vậy đặt tên thế nào để ấn tượng và khách hàng dễ ghi nhớ? Đặt tên thế nào để phân biệt dễ dàng với các nhãn hàng khác? Tất cả sẽ được BYAWE giải đáp trong bài viết dưới đây với 07 cách đặt tên thông dụng.

 

Thế nào là tên thương hiệu?

Tên thương hiệu là một tập hợp các từ ngữ được sử dụng để định danh và nhận diện một sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp so với các đối thủ cạnh tranh. Nó không chỉ đơn thuần là một từ ngữ, mà còn phản ánh giá trị, tính cách và ấn tượng mà thương hiệu muốn gửi đến khách hàng. Một tên thương hiệu tốt có thể giúp tạo ra sự nhận diện, sự tin cậy và sự khác biệt trên thị trường.

Nói một cách đơn giản, tên giống như một “bản khai sinh” của thương hiệu.

 

Những yếu tố của một tên thương hiệu tốt

Để có thể truyền tải đến khách hàng một tên thương hiệu độc đáo và ý nghĩa nhất thì các doanh nghiệp cần đảm bảo khai thác các yếu tố sau khi triển khai để mang lại sự hiệu quả:

 

Đơn giản, ngắn gọn

Điều quan trọng đầu tiên đặc biệt phải nhấn mạnh đó là hãy giữ cho tên thương hiệu của bạn THẬT NGẮN GỌN. Khách hàng sẽ không thể nào ghi nhớ một tên thương hiệu quá dài với nhiều phát âm.

Hãy giữ cho tên thương hiệu trong khoảng từ 2-3 âm tiết. Một tên thương hiệu Pamela sẽ ngắn gọn và ấn tượng hơn so với Pamelaonlycharm đó.

 

Dễ đọc – dễ nhớ

Yếu tố tiếp theo cần phải ghi nhớ đó một tên thương hiệu dễ đọc sẽ giúp khách hàng ghi nhớ dễ dàng hơn. Bạn có thể nhìn vào tên của những thương hiệu như Toyota, Sony, Pepsi, KFC,… tất cả đều rất dễ để đọc và nhớ tới đúng không.

Khi khách hàng nhìn vào một sản phẩm và không dễ dàng phát âm lên được tên thương hiệu thì đó đã là một rào cản để bạn chạm tới được khách hàng và khiến họ ghi nhớ.

 

Thú vị 

Muốn khách hàng chú ý thì tất nhiên tên thương hiệu của bạn phải có điểm nhấn thú vị và sự khác biệt. Hãy chọn một tên thương hiệu độc đáo và phù hợp với lĩnh vực hoạt động để gây ấn tượng với khách hàng.

Nếu nghe Ánh Dương Spa khách hàng sẽ cảm thấy bình thường, nhưng Athena Spa nghe sẽ sang trọng và cao cấp hơn, cũng như thể hiện được đặc trưng của dịch vụ làm đẹp.

 

Gắn liền với thương hiệu

Một tên thương hiệu không thể chỉ đặt sáo rỗng bằng việc kết hợp các từ, mà nó cần thể hiện những giá trị cốt lõi doanh nghiệp muốn truyền tải đến với khách hàng và lồng ghép trong đó các yếu tố liên quan tới lĩnh vực hoạt động. 

Ví dụ tên thương hiệu Motofas, khi đọc vào khách hàng cũng có thể biết được rằng đây là một thương hiệu xe máy và điều họ muốn truyền tải đến người mua đó là về tốc độ và sự tối ưu.

 

Mang tính cảm xúc

Tên thương hiệu mang tính cảm xúc sẽ là một điểm chạm đến với cảm tình khách hàng và khiến họ cảm thấy gắn bó hơn với sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn. Điều này có thể tạo ra một liên kết sâu sắc hơn, khiến khách hàng muốn trải nghiệm và mua hàng từ bạn hơn.

 

Khả năng bảo hộ

Đây là một điều rất quan trọng và các thương hiệu cần đặc biệt để tâm. Một tên thương hiệu bạn đặt ra dù hay đến đâu nhưng nếu không có khả năng bảo hộ thì đều trở nên vô nghĩa.

Tên thương hiệu của bạn cần được đăng ký sở hữu trí tuệ để đảm bảo tránh xảy ra tranh chấp sau này hoặc bị đạo nhái bởi những thương hiệu khác. Đây chính là linh hồn của thương hiệu nên cần được kiểm tra một cách chắc chắn. Dù trong quá trình đặt bạn có phải loại bỏ những phương án hay thì cũng hãy lựa chọn những tên phù hợp và phải có khả năng bảo hộ.

 

7 cách đặt tên thương hiệu chuyên nghiệp và ấn tượng

  • Nguồn gốc

Bạn hoàn toàn có thể đặt tên thương hiệu theo nguồn gốc, xuất phát từ tên cá nhân hay khởi nguồn của sản phẩm cho doanh nghiệp. Đây cũng là một cách để nêu lên dấu ấn cá nhân và rất nhiều thương hiệu đã thành công với cách làm này như Nguyễn Kim, Bác Tôm, hay Honda (lấy từ tên nhà sáng lập người Nhật Soichiro Honda). Hoặc Đạm Cà Mau, Chả mực Hạ Long,… được đặt theo tên địa danh.

Tuy nhiên, ngày nay nếu như bạn để trực tiếp tên cá nhân làm tên thương hiệu thì khả năng bảo hộ sẽ không cao cũng như sẽ thiếu đi điểm nhấn. Vậy hãy thử áp dụng một số tips sau cho đặt tên thương hiệu cá nhân:

  • Đảo ngược tên và họ: Kim Phan, Tố Nguyễn
  • Sử dụng một phần tên: Maci (Mai Chi), Andu (An Dương),…
  • Ghép tên với lĩnh vực hoạt động: Hồng Cook (Hồng Cúc), Khải Silk,..

 

  • Tên mô tả

Hãy dùng chính đặc trưng về sản phẩm và dịch vụ của mình để đặt tên cho thương hiệu. Đây là một cách rất dễ và phổ biến để khách hàng có thể liên tưởng và ghi nhớ đến doanh nghiệp bạn. 

Như tên gọi “Ăn Đây” đã mô tả rõ đây là một quán ăn và khi đọc lên khách hàng hoàn toàn có thể biết thương hiệu của bạn đang làm về gì. 

Tuy nhiên, có một nhược điểm đó là tên thương hiệu này có thể sẽ không phù hợp nếu như bạn mở rộng phát triển sang các ngành nghề khác, vậy nên hãy cân nhắc thật kỹ lưỡng.

 

  • Chơi chữ

Đây đang là phương pháp đặt tên thông dụng được các thương hiệu sử dụng nhiều hiện nay, đặc biệt khi ngày càng nhiều xuất hiện các doanh nghiệp trên thị trường và tỉ lệ đăng ký bảo hộ thương hiệu khó khăn hơn nhiều.

Ưu điểm của cách này đó là tên sẽ ngắn gọn và có thể bao hàm nhiều giá trị ý nghĩa mà thương hiệu muốn truyền tải đến khách hàng. Nhưng cũng cần phải rất lưu ý vì những tên này sẽ dễ bị trùng lặp do phương pháp này được áp dụng phổ biến hiện nay.

Ví dụ để đặt tên cho một thương hiệu mỹ phẩm, bạn có thể sử dụng tên gọi Glowski (Glow skin) để thể hiện cho công dụng mang đến một làn da căng bóng, khỏe mạnh cho phái đẹp.

Hay tên Akaffe (A cà phê/ A coffee) sẽ là một cách đặt tên thương hiệu cà phê thú vị, truyền tải trực tiếp đến khách hàng rằng: Tại đây chúng tôi bán cà phê.

 

  • Ẩn dụ

Việc tên thương hiệu được tạo ra thông qua phương pháp ẩn dụ thường mang tính sáng tạo và độc đáo, giúp nó nổi bật và gây ấn tượng với khách hàng. Phương pháp cho phép doanh nghiệp truyền đạt giá trị và sứ mệnh của mình qua những từ ngữ, biểu tượng hoặc hình ảnh ẩn dụ.

Điều này tạo ra một sự tò mò về thương hiệu và sản phẩm/dịch vụ của nó. Người tiêu dùng có thể muốn tìm hiểu thêm về ý nghĩa và câu chuyện đằng sau tên thương hiệu, từ đó tạo ra sự kỳ vọng và sự quan tâm đối với thương hiệu.

Một thương hiệu đồ thể thao Under Armour đã sử dụng cách đặt tên thương hiệu ẩn dụ với ý nghĩa “Bên trong áo giáp” để thể hiện cho sự khỏe khoắn năng động mà khách hàng sẽ nhận được khi khoác lên mình những bộ quần áo hay giày thể thao của hãng.

 

  • Tên viết tắt

Phương pháp này có thể áp dụng để viết tắt các chữ cái đầu tiên trong tên hoặc tên đầy đủ của thương hiệu.

Để hiểu rõ hơn hãy nhìn vào những thương hiệu dưới đây:

KFC (Kentucky Fried Chicken) , ACB (Asia Commercial Bank) là những tên thương hiệu viết tắt các chữ cái đầu trong tên. Điều này giúp tạo ra một tên dễ đọc và dễ ghi nhớ với khách hàng. 

Hoặc Vinamilk (Vietnam Milk), Mobiphone (Mobilephone) sử dụng cách viết tắt một phần tên.

 

  • Tạo ra từ mới

Việc có thể tạo ra một từ mới hoàn toàn không theo những từ ngữ vốn có sẽ mang đến cho bạn một tên thương hiệu độc đáo so với các đối thủ trên thị trường. Tuy nhiên không dễ để khách hàng có thể hiểu được ý nghĩa cũng như ghi nhớ.

Do đó với những tên được tạo ra bởi từ hoàn toàn mới, hãy đảm bảo rằng nó dễ đọc và được truyền thông một cách hiệu quả để khách hàng dễ dàng tiếp cận.

 

  • Ngẫu hứng

Việc đặt tên thương hiệu theo cách ngẫu hứng có thể tạo ra các tên không giống ai và bạn hoàn toàn tạo ra cơ hội để xây dựng một câu chuyện xung quanh thương hiệu mà không bị ràng buộc bởi các quy tắc hay dự định cụ thể.

Khách hàng có thể tò mò về nguồn gốc và ý nghĩa của tên, từ đó tạo ra một liên kết đặc biệt với thương hiệu.

Một ví dụ thú vị cho phương pháp đặt tên thương hiệu theo cách ngẫu hứng có thể là câu chuyện của hãng đồng hồ xa xỉ Rolex. Người sáng lập, ông Hans Wilsdorf, đã kể lại rằng trong một lần đi dạo, ông nghe thấy tiếng “rolex rolex” như là một lời thì thầm từ vô thức. Ông miêu tả sự kiện này như “lời thì thầm của những vị thần”, và quyết định lấy đó là tên nhãn hiệu của mình. 

 

Các bước sáng tạo tên thương hiệu

Khi đặt tên thương hiệu, hãy áp dụng 04 bước sau để đạt được hiệu quả tốt nhất;

 

Bước 1: Nghiên cứu tổng quan

Trước hết hãy xác định những điều cốt lõi của thương hiệu bạn là gì. Tầm nhìn, sứ mệnh, thông điệp truyền tải mà bạn mong muốn khách hàng đọc và cảm nhận được với tên gọi là gì?

Đồng thời, không quên phân tích thị trường một cách tổng quan về đối thủ cạnh tranh, khách hàng mục tiêu, xu hướng đặt tên của lĩnh vực này hiện nay,…

 

Bước 2: Xây dựng định hướng đặt tên

Trước khi bắt tay vào viết tên, hãy gạch ra những điều sau để đảm bảo bạn không đi lệch hướng:

  • Xác định các tiêu chí cho tên: hãy có khoảng 3 tiêu chí để bạn có thể dựa vào đó để sáng tạo. Ví dụ tên cần đạt đủ về: chất lượng cao cấp, bảo vệ sức khỏe, và mang đến niềm vui.
  • Thu thập một số các từ khóa phù hợp với định hướng để phát triển tên gọi dễ dàng hơn.

 

Bước 3: Tiến hành đặt tên

Tại bước này, hãy thỏa sức sáng tạo hết mức có thể. Bạn cần áp dụng các phương pháp đặt tên đã chỉ ra ở trên và liệt kê ra thật nhiều tên để tạo sự đa dạng, tăng sự lựa chọn.

Chớ vội quan tâm đến việc tên đó có ấn tượng hay có khả năng bảo hộ không, bởi đây là lúc sự sáng tạo cần được đặt ra.

Một danh sách khoảng 30 tên sẽ giúp bạn chọn lọc được các phương án tiềm năng. 

 

Bước 4: Kiểm tra và đánh giá

Giờ chính là thời điểm để bạn chọn ra những tên đảm bảo đủ các tiêu chí ở bước 2 và có tính khác biệt độc đáo để tiến hành tra cứu khả năng bảo hộ. 

Sau khi kiểm tra, tiếp tục đánh giá và đưa ra lựa chọn phương án phù hợp và tối ưu nhất với thương hiệu của bạn. 

 

Các website hỗ trợ việc đặt tên

 

  • Website kiểm tra tên miền

Khi đã có tên thương hiệu thì hãy chắc chắn rằng tên đó có thể đăng ký được tên miền, bởi hiện nay không có doanh nghiệp nào không cần đến website để tiếp cận khách hàng.

Bộ 3 tên miền phổ biến mà bạn có thể kiểm tra gồm tencongty.com ; tencongty.vn ; tencongty.com.vn. Hãy đảm bảo rằng tên thương hiệu có thể đăng ký được ít nhất 1 tên miền hoặc cả 3. Trong trường hợp không có tên miền nào phù hợp, bạn buộc phải thay đổi phương án tên thương hiệu.

Các website giúp kiểm tra tên miền:

  • Matbao.vn
  • Tenmien.vn

 

  • Website tra cứu khả năng bảo hộ

Hãy kiểm tra khả năng bảo hộ của tên thương hiệu trước khi nộp đơn đăng ký để đánh giá sự trùng lặp.

Bạn có thể truy cập website của Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam www.noip.gov.vn để tiến hành tra cứu sơ bộ. Tuy nhiên, lưu ý rằng dữ liệu trên website không được cập nhật thường xuyên nên khả năng bảo hộ vào khoảng 75%, để chắc chắn hãy liên hệ chuyên viên của Cục để tiến hành tra cứu chuyên sâu kỹ càng hơn. 

 

Trên đây là toàn bộ thông tin mà BYAWE mong muốn gửi đến bạn một cách chi tiết về cách tạo ra một tên thương hiệu. Hy vọng các chủ doanh nghiệp sẽ có một cái nhìn toàn diện và từ đó lựa chọn được cho mình một tên phù hợp, độc đáo, gắn bó dài lâu với sự phát triển thương hiệu.

 

BYAWE – Xây dựng thương hiệu toàn diện

Địa chỉ: Số 12c13, Ngõ 1, Lê Hữu Trác, Phường Phúc La, Quận Hà Đông, Hà Nội

Hotline: 0971 408 009

Email: info@byawe.com.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *